Cùng với cả nước, 4 năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là thực hiện việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Là một trong những đơn vị dẫn đầu trong thực hiện giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số, năm 2024, Sở Xây dựng được giao 17 chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số. Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 507 về giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, đơn vị trực thuộc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản công tác lý Nhà nước; tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh sản phẩm, hoạt động của doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng. Định kỳ hằng quý, trưởng các phòng, đơn vị báo cáo tiến độ thực hiện từng chỉ tiêu được giao.
Rút kinh nghiệm và kế thừa những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số, từng phòng, đơn vị của Sở Xây dựng đã xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện cơ chế khoán sản phẩm, giao trách nhiệm cho từng cá nhân, bộ phận và lấy việc thực hiện các chỉ tiêu được giao làm thước đo đánh giá cán bộ cuối năm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động; nâng cấp toàn bộ hệ thống máy tính với cấu hình cao, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Tăng cường công tác cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, giảm thời gian thực hiện từ 30 - 50% so với thời gian quy định của pháp luật về xây dựng; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thực dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Đồng thời, công khai tất cả các kế hoạch, quy hoạch, đề án về xây dựng, phát triển đô thị trên Cổng Thông tin điện tử Sở, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt và triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đến nay, Sở Xây dựng đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong đó, có nhiều nhiệm vụ Sở đã hoàn thành 100% từ tháng 6/2024 như: Tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh; tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính điện tử; tỷ lệ hồ sơ hành chính được số hóa; mức độ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; tỷ lệ dữ liệu thuộc ngành quản lý được cung cấp trên Cổng dữ liệu mở.

Cán bộ bộ phận "Một cửa" UBND huyện Lập Thạch hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Với huyện Lập Thạch, từ việc xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng số, bảo đảm sẵn sàng và tạo động lực phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ưu tiên lựa chọn những công việc đột phá, tạo cơ sở, nền tảng chuyển đổi số nhanh, bền vững, phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tính từ đầu năm đến nay, UBND huyện Lập Thạch đã ban hành trên 10 văn bản chỉ đạo về triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số như: Quyết định số 783 về việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024 cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; Kế hoạch số 287 về chuyển đổi số huyện Lập Thạch năm 2024; Kế hoạch số 53 về triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030” trên địa bàn huyện...
Theo báo cáo của UBND huyện Lập Thạch, đến nay, hạ tầng mạng viễn thông truyền dẫn trên địa bàn được cáp quang hóa 100%, kết nối đến tất cả các xã, thị trấn. 100% trạm thu, phát sóng thông tin di động được phủ sóng di động 3G, 4G; hạ tầng công nghệ thông tin từng bước phát triển, các phòng, ban, ngành của huyện, UBND các xã, thị trấn đều được kết nối mạng Internet băng thông rộng, mạng LAN được nâng cấp, bảo trì thường xuyên, bảo đảm truy cập thông suốt và kết nối với mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ, Cổng thanh toán tập trung quốc gia và sẵn sàng kết nối đến cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương. 100% đơn vị, địa phương thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; tỷ lệ người dân có định danh, xác thực điện tử đạt gần 85%. Cùng với đó, 85% siêu thị mini, cửa hàng kinh doanh ứng dụng thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt; 69% cửa hàng kinh doanh có mã QR code để thanh toán qua tài khoản Internet banking; 67% người dân từ 18 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại tổ chức tín dụng.
Tính đến tháng 11/2024, huyện Lập Thạch đã hoàn thành 13/15 chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số được giao. 2 chỉ tiêu chưa đạt, gồm, tỷ lệ cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử đạt xấp xỉ 97% (chỉ tiêu giao 100%); tỷ lệ máy tính của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc UBND huyện được cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc có kết nối chia sẻ dữ liệu với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng của tỉnh đạt 84,6% (chỉ tiêu giao 100%).
Năm 2025, Lập Thạch sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số huyện Lập Thạch; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; phát triển chính quyền điện tử dựa trên dữ liệu, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; nâng cao vị trí xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số. Phấn đấu, 100% các cơ quan Nhà nước trên địa bàn kết nối hạ tầng mạng băng thông rộng trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh để đáp ứng triển khai các dịch vụ số, bảo đảm an toàn thông tin; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt tối thiểu 45%; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; có tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 65%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 70%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được phổ biến, cập nhật kỹ năng số cơ bản đạt 60%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 90%...
Tăng tốc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, 11 tháng năm 2024, huyện Bình Xuyên đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo và thực hiện kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Bình Xuyên. Hằng tháng, hằng quý đôn đốc, yêu cầu các phòng, ban, địa phương báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các chỉ tiêu.
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Xuyên, ước năm 2024, địa phương hoàn thành cả 15/15 chỉ tiêu. Trong đó, nhiều ngành đã hoàn thành các chỉ tiêu trước thời gian quy đinh như: Ngành Văn hóa thông tin, đã có nhiều di tích lịch sử có mã quét và có trên trang Youtube, gồm: Đình Gia Du, thị trấn Gia Khánh; Đền Trung, Đền Thượng, xã Trung Mỹ; Đình Quất Lưu, xã Quất Lưu; Đình Lý Nhân, xã Phú Xuân. Ngành Giáo dục và Đào tạo có 100% trường học sử dụng phần mềm quản lý, quản trị nhà trường hiệu quả, đã cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin về hồ sơ trường, lớp học, học sinh, đội ngũ, cơ sở vật chất, ứng dụng triển khai hồ sơ điện tử; 100% trường sử dụng chữ ký số trong ban hành văn bản, gửi văn bản trên hệ thống quản lý văn bản điều hành VNPT –iOFFICE; 100% cơ sở giáo dục thực hiện thanh toán học phí, các khoản thu bằng hình thức trực tuyến không dùng tiền mặt; 100% học sinh đủ 14 tuổi đã hoàn thành việc xin cấp căn cước công dân gắn chíp. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội trên hệ thống phần mềm cho gần 4.100 đối tượng; thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho gần 3.350 đối tượng bảo trợ xã hội; cập nhật dữ liệu trẻ em trên hệ thống phần mềm điện tử đạt tỷ lệ 79,7%. Đối với ngành Y tế đã triển khai và nhân rộng mô hình khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp, App VneID, App VssID. 11 tháng năm 2024, toàn huyện có 66,7% lượt người khám bệnh bằng App VneID.
Riêng việc triển khai thực hiện Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư định danh và xác thực điện tử, từ đầu năm đến nay, Công an huyện Bình Xuyên đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo, đôn đốc các phòng, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện 53 dịch vụ công thiết yếu, nhất là 2 nhóm dịch vụ công liên thông là khai sinh và khai tử. Tiến hành kiểm tra việc cấp căn cước công dân, định danh điện tử và làm sạch dữ liệu dân cư, bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”; thực hiện kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 cho gần 72.000 tài khoản.
Không chỉ có Sở Xây dựng và huyện Lập Thạch, huyện Bình Xuyên, các sở, ngành, địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đang tăng tốc triển khai, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024, tạo chuyển biến, động lực đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số ở Vĩnh Phúc.