Tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều năm liên tiếp là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, giờ đây trong bối cảnh tất cả các địa phương đều chuyển động để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và quan điểm “tìm đất, đặt chân” của các nhà đầu tư FDI có sự thay đổi thì Vĩnh Phúc còn rất nhiều việc phải làm, trọng tâm là đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, có địa chỉ và chiều sâu.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Tập đoàn CNCTech và Công ty cổ phần Singetics
triển khai Dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm liên quan đến chất dẫn trị giá 100 USD tại tỉnh
Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen, trong đó có những khó khăn được đánh giá là “chưa có tiền lệ”. Song nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và Nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh đã và đang từng bước phục hồi tích cực, lấy lại đà tăng trưởng, nhất là trong thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc vẫn là điểm sáng về thu hút FDI. Năm 2022, toàn tỉnh thu hút được 70 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 462 triệu USD, vượt gần 2,7% kế hoạch năm; năm 2023, thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn 78 dự án FDI, tổng vốn đăng ký đạt 604,2 triệu USD, tăng 30,76% so với cùng kỳ. 10 tháng năm 2024, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 65 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 485,4 triệu USD, tăng 39% kế hoạch năm. Khu vực FDI luôn là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu ngân sách và nâng cao đời sống người dân. Hằng năm, khu vực này đóng góp trên 65% cho tổng thu ngân sách Nhà nước và từ 56 - 70% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, có được kết quả trên là do Vĩnh Phúc đã thay đổi cách thức, giải pháp thu hút đầu tư và phương thức tiếp cận đối tác đầu tư thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách và triển khai các đề án cụ thể trong suốt những năm qua, như: Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2013 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; Đề án hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030... Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng các khu công nghiệp theo hướng hiện đại, đồng bộ; tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu nguồn lao động chất lượng cao của các nhà đầu tư.
Xác định đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư là chìa khóa vàng để thu hút được các dự án đầu tư lớn, giai đoạn 1997 - 2012, tỉnh Vĩnh Phúc giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh làm cơ quan đầu mối thực hiện hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư. Từ năm 2012 đến năm 2018, tỉnh thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh để chuyên trách thực hiện nhiệm vụ xúc tiến đầu tư. Từ năm 2019 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan đầu mối thực hiện nhiệm vụ này và phương thức vận động đầu tư thay đổi theo hướng tiếp cận nhà đầu tư mục tiêu ở trong nước, nước ngoài để cung cấp thông tin, mời gọi đầu tư. Hình thức xúc tiến đầu tư nước ngoài là không tổ chức theo quy mô lớn, đối tượng chung chung mà theo ngành, lĩnh vực, dự án cần kêu gọi và tùy thuộc vào thế mạnh của mỗi nước. Tỉnh luôn ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, hạn chế những dự án sử dụng nhiều đất, giá trị gia tăng thấp; kiên quyết không thu hút những dự án sử dụng quá nhiều năng lượng, nguy cơ ô nhiễm môi trường. Gắn hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch để tránh gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt, từ năm 2014, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng chương trình và ban hành kế hoạch xúc tiến đầu tư từng năm theo đúng Quyết định số 03/2014/QĐ -TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư làm căn cứ để các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện, bảo đảm tính thống nhất trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng danh mục dự án cần thu hút đầu tư theo từng thời kỳ, giai đoạn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh qua mạng internet và các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, của tỉnh; xây dựng tài liệu xúc tiến đầu tư bằng 5 ngôn ngữ: Việt, Anh, Nhật, Hàn, Trung; lồng ghép quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh qua các sự kiện tổ chức trong và ngoài nước...
Thực hiện các nhiệm vụ được giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các bộ phận xúc tiến đầu tư đã chủ động tiếp cận và xây dựng báo cáo cụ thể về các doanh nghiệp, tập đoàn lớn với các dự án phù hợp với quy hoạch, tính chất ngành nghề, lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút như: Tập đoàn Compal, Dell, IKEA, YCH Group, Tập đoàn LG Việt Nam, Google, Apple... Các chương trình xúc tiến đầu tư không chỉ tập trung vào thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc mà chuyển hướng sang một số thị trường tiềm năng ở châu Âu, Mỹ, Úc hay xu hướng đón đầu sự dịch chuyển của nhà đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan thuộc các chuỗi cung ứng, các nước đối tác là thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng cao
Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; thực hiện chăm sóc tốt các nhà đầu tư đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, mở rộng đầu tư, thông qua các hình thức hỗ trợ như: Đẩy mạnh cải cách hành chính; định kỳ hằng quý tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình và khó khăn của doanh nghiệp theo kênh độc lập; tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước; tập trung hỗ trợ các khu, cụm công nghiệp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo mặt bằng sạch, kết nối giao thông, đào tạo nguồn nhân lực, sẵn sàng kêu gọi đầu tư. Hay như phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp tại thành phố Phúc Yên và các huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Sông Lô, Lập Thạch để xây dựng chương trình, kêu gọi thu hút đầu tư theo định hướng chung của tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc thay đổi cách thức, giải pháp thu hút đầu tư và phương thức tiếp cận đối tác đầu tư, đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút đầu tư của cả nhiệm kỳ 5 năm, giai đoạn 2020 - 2025 với tổng vốn FDI là 2,5 tỷ USD. Phần lớn các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc là các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược đứng đầu các chuỗi cung ứng như ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, có các đề xuất hỗ trợ, hợp tác về năng lượng, cam kết Net zero, đầu tư sản xuất xanh như: Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Tập đoàn Samsung Việt Nam, Công ty cổ phần T&Y SuperPort, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, Tập đoàn Sojitz, Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Amanta, Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ, Công ty cổ phần Signetics... mở ra nhiều cơ hội việc làm và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút thêm từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn đầu tư từ khu vực FDI; thu hút từ 1 - 5 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới; nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia, vùng lãnh thổ một số khu vực trong tổng số vốn FDI của tỉnh lên hơn 80%.
Để đạt được các mục tiêu này và đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung hoàn thiện các quy hoạch theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhất là quy hoạch xây dựng và quy hoạch hạ tầng khu công nghiệp nhằm giúp tối ưu hóa sử dụng đất đai, tài nguyên, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư - yếu tố then chốt để phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi cho các dự án FDI theo hướng vận dụng tối đa chính sách ưu đãi của Nhà nước…Trước mắt là xem xét, thực hiện việc hỗ trợ giá thuê hạ tầng đối với nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các khu công nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; thành lập các quỹ xúc tiến đầu tư, các chính sách liên vùng, xây dựng các cơ chế về thu hút doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động trao đổi, hợp tác với các bộ, ngành, Đại sứ quán, tham tán, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các tổ chức Jica, Jetro, KCCI, Kotra... Thường xuyên tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội chợ triển lãm để tiếp xúc với nhà đầu tư, giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Tiếp tục cải cách hành chính, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đang hoạt động, đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ, tạo sự uy tín của tỉnh đối với doanh nghiệp trong việc mở rộng, tái đầu tư. Thúc đẩy phát triển của ngành công nghiệp logistics và dịch vụ hỗ trợ logistics; phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, lao động, nhà ở chất lượng cao cho chuyên gia; các khu văn hóa, vui chơi, giải trí, bảo đảm nhu cầu làm việc, đời sống của Nhân dân, các chuyên gia trong và ngoài nước. Từ đó, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, níu chân, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng phát triển và chuyển dịch đúng hướng.