Đồng hành cùng Vĩnh Phúc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu chuyển đổi số (CĐS), các đơn vị viễn thông đã nỗ lực, tiên phong trong phát triển hạ tầng số, triển khai ứng dụng số, nền tảng số đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, góp phần tạo những giá trị số thiết thực, thúc đẩy CĐS toàn diện, sâu rộng.

Nhân viên VNPT Vĩnh Phúc giới thiệu các hệ sinh thái chuyển đổi số tại hội nghị hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024.
Sớm có định hướng chuyển đổi từ doanh nghiệp viễn thông sang doanh nghiệp số, VNPT đã nhanh chóng tổ chức triển khai những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể của một doanh nghiệp số với quy mô, phạm vi trên diện rộng từ tổ chức bộ máy đến chiến lược phát triển và tầm nhìn từ cấp tập đoàn đến từng VNPT địa phương.
Năm 2015, thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa UBND tỉnh và Tập đoàn VNPT về triển khai ứng dụng dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ triển khai Chính phủ điện tử được ký kết.
Cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của tập đoàn, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác, VNPT Vĩnh Phúc đã thể hiện vai trò tiên phong thúc đẩy các dự án, chương trình CĐS trên địa bàn tỉnh với việc tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại; chủ động đưa các dịch vụ viễn thông, CNTT ứng dụng rộng rãi, cung cấp đa dạng các sản phẩm, giải pháp công nghệ phục vụ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Trưởng đại diện VNPT trên địa bàn tỉnh, Giám đốc VNPT Vĩnh Phúc cho biết: “Những năm qua, VNPT Vĩnh Phúc đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng hoàn thiện hạ tầng mạng di động với hàng trăm điểm trạm 3G, 4G và sẵn sàng cho 5G; lắp đặt hệ thống wifi miễn phí tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh; lắp đặt hàng chục nghìn km hệ thống cáp quang với độ mạng lõi lên đến hàng trăm Gb, đảm bảo cung cấp các nền tảng hạ tầng ở mọi cấp độ trên phạm vi toàn tỉnh.
Song song với việc đáp ứng hạ tầng, các giải pháp, phần mềm hỗ trợ quản lý chuyên ngành vượt trội đã và đang được VNPT Vĩnh Phúc triển khai nhằm mục tiêu xã hội hóa CNTT đến các ngành, lĩnh vực.
Đối với giải pháp chính quyền điện tử, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố để đưa ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.
Điển hình như Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (VNPT- iOffice), Cổng thông tin điện tử (VNPT Portal), hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (VNPT iGate), Trục liên thông dữ liệu (VDXP), Hệ thống thông tin báo cáo thông minh (VNPT VSR) tổng hợp, phân tích dữ liệu, dự báo số liệu chuyên sâu, biểu đồ trực quan nhằm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, Hệ thống phòng họp không giấy tờ (VNPT-eCabinet)…

Đại diện các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm hiểu ứng dụng phục vụ chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, các nhóm giải pháp cho từng ngành đã được VNPT Vĩnh Phúc tích cực triển khai như phối hợp với ngành Công an triển khai, cung cấp hạ tầng hệ thống camera thông minh, triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06.
Phối hợp với ngành Y tế triển khai hệ thống phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế (VNPT HIS), hệ thống quản lý y tế cơ sở và hồ sơ sức khỏe toàn dân, giải pháp quản lý dược.
Phối hợp với ngành Giáo dục tỉnh triển khai hệ thống quản lý giáo dục (VnEdu); giải pháp quản lý giáo dục trực tuyến (VNPT School).
Cùng với đó là các nhóm giải pháp hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiêp thực hiện kê khai thuế điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội điện tử, quản lý nhân sự và tiền lương; các hệ thống quản lý thu phí đường bộ, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, quản lý đất đai… phục vụ hiệu quả công tác quản lý của các ngành, đơn vị, doanh nghiệp”.
Toàn tỉnh hiện có 5 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và 5 nhà cung cấp dịch vụ internet. Nắm bắt được xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã tiên phong trong triển khai ứng dụng CNTT hiện đại, thúc đẩy các giải pháp CĐS, góp phần tích cực đồng hành cùng tỉnh trong công cuộc CĐS.
Với sự đồng hành, vào cuộc tích cực của các đơn vị, hạ tầng viễn thông của tỉnh không ngừng phát triển, đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT, sử dụng các dịch vụ số của người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.350.000 thuê bao điện thoại di động, 290.000 thuê bao internet băng rộng cố định và 1.100.000 thuê bao internet băng rộng di động; hơn 3.100 trạm thu phát sóng di động; phủ sóng di động 3G, 4G đạt 100%, các đơn vị đang nỗ lực để mở rộng phủ sóng di động 5G.
Bên cạnh đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, các đơn vị viễn thông đã nỗ lực đồng hành cùng địa phương triển khai nhiều ứng dụng số phục vụ xây dựng chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, ra mắt các sản phẩm, ứng dụng mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng; cung cấp các giải pháp công nghệ, dịch vụ số để giúp các cơ quan, đơn vị Nhà nước, doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực quản lý, điều hành, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh trên thị trường.
Các doanh nghiệp cũng tích cực phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của CĐS, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng số, công nghệ số…
Để tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, đồng hành của các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình CĐS, tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hiện những nội dung CĐS theo kế hoạch, đặc biệt là trong triển khai dự án xây dựng hạ tầng nền tảng số phục vụ CĐS.
Nâng cấp hạ tầng, bảo đảm hạ tầng mạng lưới và an toàn thông tin phục vụ tốt việc điều hành, trao đổi thông tin của chính quyền, người dân, doanh nghiệp; triển khai các hệ thống CNTT mang tính hệ thống phục vụ xây dựng chính quyền điện tử; cung cấp các dịch vụ, giải pháp số, phát triển các nền tảng công nghệ số đáp ứng mục tiêu CĐS của tỉnh trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.