Cùng với cả nước, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện kế hoạch đầu tư công trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức do tình hình kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát gia tăng, sức mua yếu, thị trường bất động sản trầm lắng... Tuy nhiên, với sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo và linh hoạt trong tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư ở Vĩnh Phúc 9 tháng năm 2024 đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là ở cấp huyện.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc được giao tổng vốn đầu tư công hơn 7.895 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương giao hơn 7.776 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh giao bổ sung là hơn 118,8 tỷ đồng. Xác định đầu tư công là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt và triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Đồng thời, giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 cho các chương trình, dự án ngay cuối năm 2023; thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công các dự án lớn, trọng điểm; tổ chức các buổi làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh với các sở, ngành chuyên môn để nắm bắt tình hình và cho ý kiến chỉ đạo về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.

Dự án Cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong số các dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh quản lý.

Trong 9 tháng năm 2024, cấp tỉnh đã phê duyệt quyết định đầu tư 3 dự án, tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng. Cấp huyện/xã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 21 dự án, tổng mức đầu tư trên 188,5 tỷ đồng; phê duyệt quyết định đầu tư cho 67 dự án, tổng mức đầu tư là 559 tỷ đồng, chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.

Thực hiện Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách Nhà nước, ngay từ đầu năm, cấp tỉnh đã phân bổ chi tiết hơn 4.462 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch giao cho 44 dự án hoàn thành, quyết toán và 100 dự án chuyển tiếp năm 2024; cấp huyện, cấp xã phân bổ hơn 3.433 tỷ đồng cho các công trình, dự án, đạt 100% kế hoạch vốn do tỉnh giao. Đặc biệt, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, các sở, ngành, địa phương đã tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, ưu tiên vốn cho các các dự án, công trình trọng điểm, dự án đã quyết toán, dự án chuyển tiếp.

Tính đến 15/9/2024, toàn tỉnh giải ngân được trên 3.998 tỷ đồng, bằng 51,4% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và bằng 48,4% tổng số vốn kế hoạch năm. Trong đó, cấp tỉnh giải ngân đạt 32,5% kế hoạch giao; cấp huyện, xã giải ngân đạt 70,8%. Trong 9 huyện, thành phố, Bình Xuyên có tỷ lệ giải ngân cao nhất, đạt 97,6%; huyện Yên Lạc đạt 90,5%; thành phố Vĩnh Yên đạt 74,3%; huyện Lập Thạch đạt 73,8%; huyện Sông Lô đạt 67,3%; huyện Vĩnh Tường đạt 62,4%.

Đối với các Ban Quản lý dự án, với nhiều cái khó, cả 5 Ban Quản lý dự án trên địa bàn tỉnh đều có tỷ lệ giải ngân thấp, chưa đạt 40%. Cụ thể, Ban Quản lý sử dụng vốn vay nước ngoài, tỷ lệ giải ngân đạt 39,7%; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, giải ngân đạt 39,6%; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, giải ngân đạt 28,9%; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt 24,1%; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình tỉnh, giải ngân đạt 22,4%.

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, năm 2024, Ban được giao tổng vốn đầu tư công là 891,447 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay, ngoài Dự án Cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành đang gấp rút hoàn thành, với khối lượng thực hiện đạt trên 95% thì các dự án còn lại đều có tỷ lệ giải ngân rất thấp như: Dự án Hạ tầng giao thông kết nối Vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tỷ lệ giải ngân mới đạt 10%; Dự án Mở rộng đường trục Trung tâm khu đô thị mới Mê Linh, giải ngân đạt 6%. Nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; một số dự án phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Đối với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 24,1% còn do thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng chậm trễ, kéo dài. Hiện Dự án Cải tạo nâng cấp tuyến kênh Đồng Trằm, xã Văn Quán đi xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, giải ngân đạt 32%; Dự án Cải tạo nâng cấp tuyến kênh Tân Phú - Thượng Trưng - Vũ Di - Sông Phan và tuyến Tuân Chính - Vũ Di - Sông Phan, huyện Vĩnh Tường, tỷ lệ giải ngân đạt 12%; Dự án Cải tạo, nạo vét các tuyến kênh tiêu vùng bãi Vĩnh Tường, tỷ lệ giải ngân đạt 10%; Dự án Cải tạo, nạo vét Sông Phan, đoạn từ Cầu Thượng Lạp đến Điều Tiết, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỷ lệ giải ngân đạt 12%. Riêng Dự án Xử lý thấm tại đập phụ số 1, hồ chứa nước Đồng Mỏ, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo đến nay chưa giải ngân được đồng vốn đầu tư công nào.

Chỉ rõ nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công của cả tỉnh mới đạt 51,4% so với kế hoạch vốn Trung ương giao, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Quang cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 của Vĩnh Phúc cao hơn cùng kỳ năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn so với tổng kế hoạch vốn được giao, nhất là đối với các dự án lớn, trọng điểm. Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng và việc giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai còn chậm. Một số dự án chưa có tên hoặc chưa đủ chỉ tiêu sử dụng đất trong danh mục quy hoạch được duyệt, phải thực hiện thủ tục cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của cấp huyện. Cùng với đó, công tác quyết toán dự án hoàn thành gặp khó khăn do các dự án chưa thực hiện xong thủ tục giao đất nên chưa thể thực hiện quyết toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và quyết toán dự án hoàn thành; vốn bổ sung từ ngân sách địa phương cho chi đầu tư công năm 2024 đến nay chưa được phân bổ, dẫn đến nhiều công trình chưa được giao vốn để thực hiện; nhiều dự án khan hiếm về nguồn vật liệu đất đắp; giá nguyên vật liệu tăng cao, nhà thầu thi công cầm chừng...

Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến ngày 31/12/2024 giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%. Đây là chỉ tiêu không hề dễ, bởi thời gian còn lại của năm 2024 không nhiều và tỷ lệ giải ngân vốn của các Ban Quản lý dự án rất thấp, do vậy, giải pháp trọng tâm, cấp bách được Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông chỉ ra và yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, các Ban Quản lý dự án thực hiện sau hội nghị kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được tổ chức cuối tháng 9/2024 vừa qua là tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triệt khai thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo về đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, nhất là Chỉ thị số 26 của Thủ Tướng Chính phủ  và Công điện số 24 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh quyết toán vốn. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng. Tăng cường giám sát, kiểm tra nhà thầu trong thi công dự án. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Các chủ đầu tư rà soát, điều chỉnh lại cơ cấu nguồn vốn và tiến độ triển khai thực hiện trong quyết định chủ trương đâu tư và quyết định đầu tư các dự án cho phù hợp với tiến độ bố trí vốn thực tế.

Nguồn: www.vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 1.099.607
      Online: 24