Sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu trụ sở Chính phủ tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Dự cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc có các đồng chí: Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu sau hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phản ứng kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, trực tiếp tại hiện trường của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, thiệt hại về người và tài sản do bão số 3 và mưa lũ đã được hạn chế tối đa. Tuy nhiên, do bị tác động dồn dập trong thời đoạn rất ngắn của các loại hình thiên tai cực đoan, thiệt hại do bão, lũ quét, sạt lở đất vẫn còn rất lớn. Theo số liệu thống kê, mưa bão số 3, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... đã làm 344 người chết và mất tích; gần 282.000 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái; trên 284.400 ha lúa, hơn 61.100 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; trên 35.000 ha và 11.800 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 44.100 con gia súc, 5,6 triệu con gia cầm bị chết. Về hạ tầng, có trên 3.755 điểm trường và 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, hư hại; 2.211 công trình thủy lợi, 1.306 công trình nước sạch bị hư hỏng; đã xảy ra 796 sự cố đê điều trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố… Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.500 tỷ đồng.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo công tác ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão; thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp khắc phục, hướng tới mục tiêu nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các lực lượng chủ công như Quân đội, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương… đã trực tiếp ứng phó tại hiện trường; cảm ơn Nhân dân, doanh nghiệp đã luôn chia sẻ, đồng hành, rất ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể. Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp giữa các lực lượng, các bộ, ngành, việc huy động sức mạnh của người dân, doanh nghiệp, tinh thần đại đoàn kết được thể hiện rất rõ và phát huy mạnh mẽ; cả nước chung tay góp sức, góp của, góp công với tinh thần “tương thân, tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, “ai có của góp của, ai có công góp công, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều”.
Chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cũng như một số bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Trong đó, tập trung rà soát khắc phục hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông; hoàn thiện thể chế, các nghị định, thông tư liên quan tới công tác khắc phục hậu quả bão số 3; hoàn thiện tổ chức, nguồn nhân lực theo Luật Phòng thủ dân sự. Với những gia đình bị mất nhà cửa do mưa lũ, các cấp, các ngành phải khẩn trương hỗ trợ xây dựng kiên cố, chậm nhất 31/12/2024 phải xây dựng xong. Đối với các điểm trường và cơ sở y tế bị ảnh hưởng, phải khắc phục trước tháng 10/2024. Cùng với đó, rà soát lại các chính sách hỗ trợ; đề xuất thi đua, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể có thành tích trong phòng, chống, khắc phục hậu quả do bão số 3; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, nhất là tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi. Về lâu dài, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đồng bộ; rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng của các ngành bảo đảm an toàn trước thiên tai.
Về giải quyết sự cố công trình cầu Phong Châu, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan triển khai nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng cầu Phong Châu mới, phải xây dựng xong trước 31/12/2025.
Phát biểu sau hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông ghi nhận, biểu dương sự vào cuộc của các cấp, ngành và các tầng lớp Nhân dân trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Khẳng định những việc đã làm được, song đồng chí cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế và rút ra các bài học kinh nghiệm. Để sớm hoàn thành công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 và làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống, ứng phó với mưa, bão, thiên tai trong thời gian tới, đồng chí Trần Duy Đông yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai; tập trung huy động sức mạnh, nguồn lực tổng hợp cấp tỉnh, huyện, xã, các tổ chức, cá nhân trong công tác khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất; tiếp tục theo dõi cập nhật kịp thời diễn biến mưa, lũ để có các phương án cảnh báo, gia cố, bảo đảm an toàn; tăng cường công tác tuyên truyền theo hướng cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp cho mọi đối tượng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành công tác tổng hợp, đánh giá chính thức thiệt hại, đề xuất cơ chế hỗ trợ đối với thiệt hại về nông nghiệp để ổn định sản xuất sau thiên tai, báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ theo quy định; rà soát, đánh giá lại hiện trạng hệ thống đê điều, hồ đập, để xuất xử lý ngay đối với những sự cố, công trình, vị trí có nguy cơ mất an toàn; tổ chức khảo sát, điều tra, đánh dấu vết lũ, lưu trữ tài liệu sau bão số 3 để cập nhật trong phương án ứng phó thiên tai của tỉnh, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai sau này…