Sáng 15/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp với các địa phương bị ảnh hưởng cơn bão số 3 (Yagi) về các giải pháp khắc phục, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sau bão. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 26 tỉnh, thành phố ảnh hưởng cơn bão số 3. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Các đồng chí: Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc. Cùng dự có đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố.
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc dành 1 phút mặc niệm các nạn nhân bị tử vong do bão số 3 gây ra
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến 6h sáng 15/9, bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt do hoàn lưu bão đã làm 348 người chết và mất tích, 1.921 người bị thương; gần 232.000 ngôi nhà bị hư hỏng; hơn 190.300ha lúa, hơn 48.700ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 31.745 cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 21.786 con gia súc, hơn 2,6 triệu con gia cầm bị chết; 305 tuyến đê bị sự cố nứt nẻ, sạt lở, đùn sủi, lỗ rò thân đê… Có 11 địa phương bị thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị trường học hoặc ngập úng, làm đình trệ và ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến 13h ngày 13/9, ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã làm 2 người chết; 338 ngôi nhà, 32 cơ sở giáo dục, 9 cơ sở y tế, 4 di tích lịch sử, 11 công trình văn hóa các loại, 14 trụ sở cơ quan, 11 nhà kho phân xưởng bị thiệt hại. Bão số 3 và hoàn lưu bão cũng khiến 9.830ha lúa, gần 2.300 ha hoa màu bị ảnh hưởng; 16.600 gia cầm, gần 70 con trâu, bò, lợn và 537 các loại gia súc khác bị chết; 942 ha thủy sản bị thiệt hại, hơn 27.200 cây xanh, 234 cột điện bị gãy, đổ… Ước tính thiệt hại tại thời điểm thống kê khoảng trên 177 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá tình hình hậu quả, thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra; thảo luận, đóng góp ý kiến, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh; khôi phục cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh trật tự tại các địa phương.
Ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực, chủ động của các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng Quân đội, Công an và Nhân dân trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến hậu quả cơn bão số 3 vừa qua. Đồng chí yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện các giải pháp nhằm tập trung tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bị thương; sắp xếp chỗ ở cho người bị mất nhà, hư hỏng nhà; cung cấp lương thực thực phẩm, nước sạch cho người dân; cứu chữa người bị thương, ốm đau; rà soát, kiểm tra, tiếp cận bằng được những nơi còn chia cắt để hỗ trợ người dân kịp thời nhất. Đồng thời, tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; không để mất điện, mất sóng viễn thông, không để các dịch vụ thiết yếu đứt gãy; sửa chữa ngay các cơ sở y tế, giáo dục để học sinh được đến trường, người dân được chữa bệnh.
Để ổn định tình hình cuộc sống cho Nhân dân, đồng chí yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung rà soát, thống kê lại thiệt hại của người dân, tài sản của Nhà nước; hỗ trợ ngay chỗ ăn, ở, sinh hoạt, ổn định tại chỗ cho người dân. Tiếp tục thăm hỏi, chia sẻ, giải quyết hậu sự cho những người xấu số, giải quyết các chính sách theo quy định, cứu chữa người bị thương; rà soát các thôn, bản, gia đình bị vùi lấp, thực hiện tái định cư cho người dân đến nơi an toàn, bảo đảm chậm nhất đến 31/12/2024 người dân cả nước phải được ổn định về nhà ở. Đồng thời, rà soát, thống kê các cơ sở y tế, thiết bị trường học để trong tháng 9 tất cả học sinh phải được đến trường. Các địa phương thống kế rà soát đề xuất phương án hỗ trợ các gia đình thiệt hại; nghiên cứu miễn giảm học phí cho học sinh; bảo đảm kết nối giao thông thông suốt, bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát các thiệt hại của cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có giải pháp khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; khôi phục lại sản xuất trong các khu công nghiệp; có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, bảo đảm không bị gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng. Các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy đầu tư công; giãn nợ, giảm nợ cho các doanh nghiệp; bảo đảm cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất kinh doanh… Tập trung đẩy mạnh, kích cầu tiêu dùng trong nước; mở rộng thị trường xuất khẩu; thực hiện tái cơ cấu cây trồng vật nuôi, tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh các địa phương; xây dựng chương trình khắc phúc hậu quả bão lũ; xây dựng giải pháp tăng trưởng kinh tế; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy một số ngành phát triển, bứt phá; bảo đảm ổn định trật tự, an toàn xã hội; kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong khắc phục hậu quả bão lũ gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Dung Đông phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc
Quán triệt sau hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh về tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công tác ứng phó với thiên tai, khắc phục hậu quả sau thiên tai qua thực tiễn ứng phó với cơn bão số 3 vừa qua để chủ động hơn, làm tốt hơn trong thời gian tới khi không may có mưa lũ, thiên tại xảy ra. Đặc biệt, cần rà soát lại những vùng, những điểm tại địa phương có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để xây dựng phương án cụ thể, chi tiết và sẵn sàng các điều kiện triển khai trên thực tế, tránh bị động, bất ngờ, lúng túng. Thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ tương ứng với các mức báo động theo quy định; theo dõi cập nhật kịp thời diễn biến mưa, lũ để có các phương án cảnh báo, gia cố, bảo đảm an toàn; rà soát, kiện toàn bộ máy, bảo đảm trong mọi điều kiện mưa, lũ, có sự cố phải thực hiện nghiêm quy chế về chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình, có thành tích tốt, đóng góp vào công tác phòng, chống bão số 3 và mưa lũ sau bão vừa qua.
Về nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông giao từng sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ tổng hợp, đánh giá chính thức thiệt hại, đề xuất cơ chế hỗ trợ đối với thiệt hại để ổn định sản xuất sau thiên tai, báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ theo quy định; rà soát, đánh giá lại hiện trạng hệ thống đê điều, hồ đập, đề xuất xử lý ngay đối với những sự cố, công trình, vị trí mất an toàn, nhất là các cống dưới đê trên tuyến đê tả Lô, Hữu Đáy, đặc biệt là cống Cầu Triệu. Hướng dẫn các địa phương khôi phục lại các diện tích lúa, hoa màu, thủy sản còn khả năng thu hoạch, giảm thiểu tối đa thiệt hại; đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ. Đồng thời, đánh giá lại hiện trạng giao thông, đặc biệt là các cầu, cống bị ảnh hưởng của lũ để có phương án sửa chữa, khắc phục, trong đó cần khắc phục nhanh các tuyến đường trọng yếu bị hư hỏng nếu có; tập trung sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện bảo đảm cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân; có phương án bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng; thúc đẩy tiêu dùng trong nước; tập trung chỉ đạo khẩn trương vệ sinh trường lớp, khắc phục xong sớm cơ sở vật chất bị hư hại do bão, lũ; vận động hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở và đồ dùng học tập cho các trường học, cơ sở giáo dục bị thiệt hại, tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại học bình thường. Cùng với đó, hướng dẫn các địa phương thực hiện các chế độ, chính sách đối với những gia đình có người bị thiệt hại, bị thương; rà soát những hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, kịp thời đề xuất hỗ trợ lương thực cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, nhất là các hộ ở vùng bị cô lập, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ; đề xuất bố trí nguồn kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai đặc biệt là hỗ trợ về nhà ở, sản xuất nông nghiệp, xây dựng các công trình khẩn cấp…
Đối với các huyện, thành phố, đồng chí yêu cầu khẩn trương rà soát, tổng hợp thống kê các thiệt hại do thiên tai gây ra tại địa phương; kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách, các hoạt động hỗ trợ, động viên, giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với gia đình bị thiệt hại do thiên tai, bảo đảm sớm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài cho người dân. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính sử dụng linh hoạt và ưu tiên bố trí các nguồn kinh phí để giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan đến phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp với điều kiện của địa phương; đề xuất các giải pháp thực hiện khắc phục hậu quả sau thiên tai gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.