Sáng 31/8, tại thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”.
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Vĩnh Phúc.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở UBND thành phố Đà Nẵng và kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.
Trong khoảng 20 năm qua, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của cơ quan Nhà nước trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số khi lấy người dân làm trung tâm, là đối tượng phục vụ.
Điều này được thể hiện rõ trong các văn bản định hướng, chiến lược, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại là trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã đạt được những kết quả tích cực nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình.
Một số địa phương đạt tỷ lệ rất cao, lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ rất thấp, dưới 5%, trung bình khối địa phương mới chỉ đạt 17,9%.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu sau hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình, những kết quả đạt được, chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả để tham khảo, nhân rộng.
Đồng thời thẳng thắn chỉ ra những thách thức, tồn tại, bất cập, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Tư duy, hành động, thói quen của cơ quan hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính chuyển dần từ giấy tờ truyền thống sang môi trường mạng, giúp nâng cao hiệu quả và năng suất các hoạt động kinh tế, xã hội.
Về nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực vào cuộc, chủ động khắc phục hạn chế, bất cập, người đứng đầu phải nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ khó khăn.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo môi trường công khai, minh bạch; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để cán bộ dám nghĩ, dám làm; khẩn trương phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong thực hiện các thủ tục hành chính, tăng cường chỉ đạo ở cấp cơ sở; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở xanh hóa các dịch vụ công, cắt giảm thủ tục hành chính.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Dịch vụ hành chính công, Bộ phận một cửa các cấp; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo hướng người dân chỉ cung cấp thông tin 1 lần cho các cơ quan Nhà nước; tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, tập trung xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia; tiếp tục nâng cấp Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số…
Phát biểu sau hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đề nghị các sở, ngành, địa phương chủ động vào cuộc, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số; đẩy mạnh việc thực hiện trực tuyến toàn trình, cải cách thủ tục hành chính cần thực chất hơn theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.