Chiều tối ngày 02/4, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc và kết nối với các Đại sứ, Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Thời gian qua, việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2026 thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, công tác ngoại giao kinh tế đã được Bộ Ngoại giao cùng các bộ ngành, địa phương triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới, mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc
 
Năm 2024, trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới, Bộ Ngoại giao đề xuất 5 nhiệm vụ trọng tâm của công tác ngoại giao kinh tế, gồm: Thúc đẩy triển khai quyết liệt các cam kết, thỏa thuận đã đạt được nhằm tận dụng tối đa việc nâng tầm, nâng cấp, mở rộng quan hệ với các đối tác để chuyển hóa thành các dự án có kết quả cụ thể; tăng tốc thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế đất nước, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, cân bằng và hài hòa trong ứng xử quốc tế; nâng cao sự nhạy bén và chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ; đổi mới mạnh mẽ trong phối hợp triển khai ngoại giao kinh tế và tăng cường đầu tư nguồn lực triển khai ngoại giao kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các Đại sứ, Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài kiến nghị Chính phủ xem xét, có các cơ chế sách mới trong thu hút các dự án đầu tư lớn, mang tính đột phá như công nghệ AI, công nghệ xanh; đẩy nhanh quy trình giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các triển lãm quốc tế và đầu tư ra nước ngoài. Nghiên cứu, mở rộng đối tượng miễn thị thực, nâng tần suất các chuyến bay, nhất là vào mùa du lịch để thu hút du khách nước ngoài. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao của các doanh nghiệp. Tăng cường các hoạt động đối ngoại song phương, mở rộng thị trường xuất khẩu ra thị trường các nước tiềm năng…

Phát biểu định hướng công tác ngoại giao kinh tế năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, một trong ba động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế truyền thống của Việt Nam là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, để kinh tế của đất nước ngày càng phát triển, các bộ, ngành, địa phương, Đại sứ, Trưởng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục kiên trì, kiên định trong triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Đổi mới, linh hoạt công tác ngoại giao kinh tế. Đổi mới tư duy, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại và sự chủ động của các Đại sứ, Trưởng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế. Cùng với đó, khắc phục được sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xuất khẩu bền vững. Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; giữa các doanh nghiệp với Nhà nước, người dân trên cơ sở chia sẻ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu Chính phủ hoàn thiện đường lối ngoại giao, thúc đẩy ngoại giao kinh tế theo hướng đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Xây dựng nền ngoại giao Việt Nam là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngoại giao kinh tế phù hợp cho giai đoạn tới.
 

Nguồn:vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 659.405
      Online: 48