Nắm bắt được xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã tiên phong trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi số, góp phần tích cực đồng hành cùng tỉnh trong công cuộc chuyển đổi số, hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Lãnh đạo VNPT Vĩnh Phúc giới thiệu các hệ sinh thái chuyển đổi số mới nhất
Là một trong những doanh nghiệp đi đầu về dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn, Viễn thông Vĩnh Phúc (VNPT Vĩnh Phúc) đã nhận thức được trách nhiệm cũng như khẳng định được vị thế, vai trò dẫn dắt của đơn vị tiên phong trong xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số sâu rộng, từ đó mang lại cho địa phương nhiều kết quả tích cực trong cải cách hành chính và điều hành kinh tế. Cụ thể, VNPT Vĩnh Phúc đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng hoàn thiện hạ tầng mạng di động với trên 300 trạm 3G, 4G phủ sóng toàn tỉnh và sẵn sàng cho 5G; lắp đặt hàng chục nghìn km cáp quang với tốc độ mạng lõi lên đến hàng trăm Gb bảo đảm cung cấp các nền tảng hạ tầng ở mọi cấp độ trên phạm vi toàn tỉnh... Nhờ đó, năm 2023, VNPT Vĩnh Phúc tiếp tục có nhiều bứt phá trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số với doanh thu, năng suất lao động, thu nhập bình quân của người lao động đều tăng khoảng 2 - 5% so với năm 2022.
Với nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, VNPT Vĩnh Phúc đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND tỉnh, các huyện, thành phố đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, góp phần phục vụ công tác lãnh, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành iOffice; Cổng thông tin điện tử VNPT Portal, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính VNPT iGate và Cổng dịch vụ công Quốc gia kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống phòng họp không giấy tờ VNPT – eCabinet; hệ thống quản lý y tế cơ sở và hồ sơ sức khỏe toàn tỉnh; hệ thống quản lý lao động, việc làm; hệ thống phần mềm hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến UBND các cấp và các sở, ngành trong tỉnh… Đồng thời, cung cấp và triển khai chữ ký số; cung cấp giải pháp biên lai điện tử cho các đơn vị xã/phường/thị trấn; xây dựng và triển khai hệ thống quản lý giáo dục VnEdu cho hơn 33% trường học, phục vụ hơn 100.000 sổ liên lạc điện tử. Cùng với đó, giải pháp hệ sinh thái giáo dục số, hồ sơ số, điểm danh thông minh, app vnEdu Connect…cũng đã được triển khai cho nhiều trường tiểu học, THCS, THPT trên toàn tỉnh.
Để giúp các doanh nghiệp “bắt nhịp” chuyển đổi số toàn diện, VNPT Vĩnh Phúc đã xây dựng, cung cấp đa dạng các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin như: Hóa đơn điện tử, chữ kỹ số, hệ thống thanh toán trực truyến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nổi bật là xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME One), hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện giao dịch trực tuyến, cung cấp đa dạng tiện ích vào ứng dụng số với 50 sản phẩm dịch vụ phục vụ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SME theo 4 trụ cột chính của hoạt động kinh doanh, điều hành quản trị doanh nghiệp... Đến nay, VNPT Vĩnh Phúc đã hỗ trợ cho hơn 80% doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử; 50% doanh nghiệp thực hiện kê khai bảo hiểm xã hội điện tử và hơn 30% khách hàng tham gia đăng ký khai báo thuế qua mạng thông qua hệ thống chữ ký số. Năm 2023, VNPT phát triển mới gần 68.000 thuê bao internet, truyền hình và di động.
Viettel Vĩnh Phúc không ngừng đầu tư xây dựng hạ tầng số; nghiên cứu, triển khai các giải pháp,
nền tảng số phục vụ chiến lược chuyển đổi số quốc gia
Năm 2023, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel chi nhánh Vĩnh Phúc (Viettel Vĩnh Phúc) đã phát động nhiều phong trào thi đua với chủ đề chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực; tích cực tư vấn, cung ứng các giải pháp chuyển đổi số cho ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Tòa án. Hiện đơn vị đang tiếp tục xúc tiến, cung ứng các giải pháp chuyển đổi số cho ngành Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương... Từ đó, góp phần khẳng định vai trò cũng như phát huy thế mạnh của doanh nghiệp công nghệ số trong đồng hành, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, hướng tới xây dựng nền kinh tế số và kiến tạo xã hội số. Tính đến thời điểm hiện tại, Viettel Vĩnh Phúc là đơn vị đầu tiên trong tỉnh phủ sóng trạm BTS 5G, nâng tổng số trạm BTS 2G, 3G, 4G, 5G lên con số trên 1.000 trạm; trong đó, tỷ trọng trạm BTS 4G, 5G chiếm 60%; thuê bao 4G trên tổng thuê bao di động đạt trên 85%, lũy kế đến hết tháng 11/2023 có hơn 1 triệu thuê bao điện thoại di động, trên 11.000 thuê bao điện thoại cố định với tổng doanh thu tăng 3 - 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đại diện Viettel Vĩnh Phúc cho biết: Năm 2024, Viettel Vĩnh Phúc tiếp tục nâng cấp hạ tầng, bảo đảm hạ tầng mạng lưới và an toàn thông tin phục vụ tốt việc điều hành, trao đổi thông tin của chính quyền, người dân, doanh nghiệp; tập trung phát triển trạm BTS 5G tại các khu trung tâm thành phố và các khu công nghiệp nhằm tăng tốc độ đường truyền; phấn đấu tháng 9/2024 tỷ trọng thuê bao 4G trên địa bàn tỉnh đạt 100%. Cùng với đó, thực hiện tốt hoạt động chăm sóc khách hàng, triển khai các chương trình hỗ trợ, các hoạt động an sinh xã hội.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 05 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và 05 nhà cung cấp dịch vụ Internet. Các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư vào chất lượng dịch vụ với 3.000 trạm BTS, phủ sóng di động 3G, 4G trên địa bàn tỉnh đạt 100%, đã phát sóng 02 trạm 5G của Viettel; hiện có 1.350.000 thuê bao điện thoại di động; 286.000 thuê bao Internet băng rộng cố định và 1.050.000 thuê bao Internet băng rộng di động. Có được kết quả này là sự nỗ lực chung tay, quyết tâm vào cuộc của các doanh nghiệp viễn thông. Thời gian tới, với vai trò là cơ quan chuyên môn, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện những nội dung chuyển đổi số theo kế hoạch: Xây dựng hạ tầng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc; Hệ thống thông tin phản ánh, kiến nghị tỉnh Vĩnh Phúc; triển khai phần mềm phòng, chống mã độc tập trung giai đoạn 2024 - 2027; tiếp tục phát triển mạng 4G trên địa bàn toàn tỉnh phù hợp với quy hoạch và triển khai mạng 5G tại các trung tâm chính trị của tỉnh, huyện...
Chuyển đổi số cần cả một quá trình lâu dài, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, các doanh nghiệp viễn thông đã và đang đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền toàn tỉnh bắt nhịp chuyển đổi số thành công. Thời gian tới, các doanh nghiệp viễn thông sẽ tiếp tục nâng cấp hạ tầng, bảo đảm hạ tầng mạng lưới và an toàn thông tin phục vụ tốt việc điều hành, trao đổi thông tin của chính quyền, người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.