Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, ngành Thông tin và Truyền thông ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và là ngành tiên phong, dẫn dắt xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số ở Vĩnh Phúc.

Sở Bưu chính Viễn thông (hiện nay là Sở Thông tin và Truyền thông) được thành lập từ tháng 8/2004. Gần 20 năm qua, với sự nỗ lực, đoàn kết vượt khó, Sở Thông tin và Truyền thông từng bước trưởng thành và phát triển. Từ chỗ chỉ có 20 biên chế, lao động hợp đồng, đến nay, sở có 5 phòng chuyên môn, 3 đơn vị sự nghiệp với gần 80 cán bộ, công chức, viên chức và lao động, trong đó, trên 90% có trình độ đại học và trên đại học. Sở đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý trên các lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông; công nghệ thông tin, chuyển đổi số; thông tin, báo chí, xuất bản…

Thực hiện chiến lược “đi tắt, đón đầu” để tiếp cận tiếp cận và ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 một cách có hiệu quả, Sở Thông tin và Truyền thông đã đổi mới phương thức lãnh đạo toàn diện trên tất cả các mặt công tác; chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành thúc đẩy ngành Thông tin và Truyền thông phát triển.

Đặc biệt, xác định rõ trọng trách dẫn dắt chuyển đổi số, Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thông qua Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết về việc quy định mức thu lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến hết năm 2025; UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc, Quyết định về việc giao nhiệm vụ, chỉ tiêu chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Quyết định về việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.

Đã tham mưu với UBND tỉnh ký kết hợp tác với các tổng công ty, tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần FPT về chuyển đổi số; thành lập, hợp nhất Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ công tác đề án 06 (Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử) đến cấp xã với 1.240 tổ, 9.880 thành viên, lực lượng chủ chốt là đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân và hơn 175 cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp trong ngành.

Cùng với đó, thí điểm chuyển đổi số toàn diện tại 04 xã, thị trấn: Xã Lãng Công, xã Hướng Đạo, thị trấn Thổ Tang và thị trấn Tam Đảo; triển khai hệ thống truyền thanh ứng dụng mạng viễn thông, công nghệ thông tin; đưa sản phẩm, hàng hóa  lên giao dịch trên sàn thương mại điện tử; tổ chức triển khai các dịch vụ, ứng dụng chuyển đổi số lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch...

Đã chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ thông tin tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng mạng lưới, bó gọn cáp, đa dạng các dịch vụ, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; bảo đảm an ninh quốc phòng, phòng chống dịch bệnh Covid-19, lụt bão, cứu hộ cứu nạn, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, Làng văn hóa kiểu mẫu.

Tính đến tháng 8/2023, toàn tỉnh có 3.000 trạm BTS; 1.344.000 thuê bao điện thoại di động, 284.750 thuê bao Internet băng rộng cố định và 998.000 thuê bao Internet băng rộng di động; mạng 3G, 4G phủ sóng đến 100% dân số; mạng 5G đã phát sóng 5 trạm và đang tiếp tục được các doanh nghiệp mở rộng độ phủ sóng. Dịch vụ bưu chính – viễn thông phát triển rộng khắp với 16 doanh nghiệp hoạt động bưu chính, 5 doanh nghiệp viễn thông, 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet. Giá dịch vụ giảm mạnh, người dân có quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ phù hợp với yêu cầu. Tất cả các dịch vụ bưu chính, chuyển phát được tổ chức vận chuyển kịp thời, không còn bưu gửi tồn đọng tại các bưu cục; không để xảy ra các hành vi lợi dụng mạng lưới bưu chính để lừa đảo, gửi và phát tán thư, ấn phẩm, bưu phẩm có nội dung trái pháp luật và các hàng cấm.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP tỉnh được cài đặt, vận hành tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh, đã thiết lập, kết nối với Trục liên thông văn bản Quốc gia, Cổng thanh toán tập trung Quốc gia và sẵn sàng kết nối đến các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, Trung ương. Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh được triển khai, bảo đảm kết nối liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương để khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, thông tin quan trọng của tỉnh. Đến nay, tất cả các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp tỉnh, huyện, xã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ. Trung tâm Hạ tầng thông tin của tỉnh và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn đều có trung tâm dữ liệu, vận hành hiệu quả các ứng dụng và cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp trên 7.700 hộp thư điện tử cho 100% cơ quan, đơn vị, địa phương; phần mềm quản lý văn bản được kết nối liên thông với các bộ, ngành Trung ương thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, tích hợp chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ. Toàn bộ hệ thống văn bản đi, văn bản đến (trừ văn bản mật) đều được xử lý trên môi trường mạng; tỷ lệ chữ ký số ở cả 3 cấp đạt 99%. Từ ngày 01/01/2022, phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến VNPT IGate được kết nối, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia và liên thông với phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư và phần mềm quản lý chứng thực, hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và của tỉnh. 

Đến nay, tất cả các sở, ban, ngành và 9 huyện, thành phố được trang bị các trang thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh mạng gồm: tường lửa, lọc thư rác, phần mềm bảo mật/diệt virut, hệ thống cảnh báo truy cập trái phép, hệ thống ngăn chặn truy nhập trái phép... Bên cạnh đó, các giải pháp bảo đảm an toàn dữ liệu, liên kết, tích hợp kỹ thuật, vận hành, bảo mật cho các ứng dụng và cơ sở dữ liệu của tỉnh được bảo đảm tại Trung tâm Hạ tầng Thông tin tỉnh với hệ thống thiết bị, phần mềm bảo mật, an toàn an ninh thông tin.

Nỗ lực thực hiện công tác quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động lĩnh vực báo chí, xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các quy hoạch, văn bản chỉ đạo, tạo môi trường dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác quản lý cũng như hoạt động của các cơ quan báo chí, như: Quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch phát triển báo in, phát thanh truyền hình và thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành xuất bản – in – phát hành tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định của UBND tỉnh về ban hành Quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định của UBND tỉnh về ban hành quy định nhuận bút thù lao trong hoạt động xuất bản bản tin, thông tin điện tử, truyền thanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng thời, công khai danh sách phóng viên, các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú trên địa bàn; danh sách người phát ngôn cho các cơ quan báo chí trên Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử. 

Bên cạnh đó, hằng năm, Sở đã tham Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi, tọa đàm với lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí vào các dịp như: Tết Nguyên đán, kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam; các sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh… để các đồng chí lãnh đạo tỉnh thông tin tới các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương về những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như các cơ chế, chính sách của tỉnh. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức giao ban báo chí định kỳ hằng tháng, qua đó, kịp thời tiếp nhận ý kiến phản ánh từ các cơ quan báo chí, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, ban ngành liên quan có các vấn đề báo chí nêu, xử lý kịp thời, tạo lòng tin trong Nhân dân và đội ngũ báo chí. 

Với sự đổi mới, nỗ lực và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, ngành Thông tin và Truyền thông ngày càng khẳng định rõ vai trò dẫn dắt chuyển đổi số. Tổng doanh thu toàn ngành liên tục tăng cao; từ 127 tỷ đồng năm 2004 tăng lên 1.307,44 tỷ đồng năm 2010, 3.560 tỷ đồng năm 2015 và 183.001 tỷ đồng năm 2022. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, đạt 96.875 tỷ đồng, tăng 57,1% so với cùng kỳ, góp phần đưa tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một trong những điển hình về chuyển đổi số.

Theo Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn chỉnh chính quyền điện tử ở cả 3 cấp và nằm trong top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chính quyền điện tử.

Để đạt được mục tiêu này trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là: Tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình hành động, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng thúc đẩy ngành Thông tin và Truyền thông phát triển, nhất là các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn.

Hai là: Đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng số qua việc củng cố mạng 4G bảo đảm chất lượng; ưu tiên các trạm 5G tại các thành phố, khu đô thị, khu công nghiệp, du lịch và nâng cấp Trung tâm dữ liệu của tỉnh theo công nghệ điện toán đám mây; đưa Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh phục vụ tích hợp các dịch vụ đô thị thông minh vào hoạt động. Phát triển kho dữ liệu của tỉnh; phát triển bản đồ số, hệ thống du lịch thông minh, hệ thống thông tin quản lý đất đai; phát triển kinh tế số, xã hội số qua việc triển khai hóa đơn điện tử, nền tảng địa chỉ số và bản đồ số tới 100% hộ gia đình.

Ba là: Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính nâng cao chất lượng các dịch vụ, đưa lĩnh vực này đóng góp quan trọng vào thương mại điện tử trên địa bàn với mức tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 25-30% và tham gia các khâu giải quyết thủ tục hành chính, là trung gian kết nối giữa môi trường mạng và thế giới thực thông qua chuyển phát hàng thương mại điện tử, logictics. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng mạng lưới, cung cấp mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật xây dựng chính quyền điện tử, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số.

Bốn là: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung vào các vấn đề cốt lõi, nền tảng tích hợp cho xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới mục tiêu hỗ trợ yêu cầu của người dân, doanh nghiệp với chính quyền; tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin, an toàn không gian mạng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước. Tăng cường ứng dụng chữ ký số; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đi vào thực chất. Đặc biệt là quan tâm lĩnh vực an toàn thông tin, giám sát an toàn không gian mạng, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Năm là: Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về thông tin, báo chí, xuất bản Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Tăng cường chỉ đạo, định hướng thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền; ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thông tin xấu, độc, sai sự thật, phản bác quan điểm sai trái trên mạng xã hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí.

Nguồn:vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 662.467
      Online: 29