Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVII, chiều 11/7, đại biểu HĐND tỉnh đã chia 3 tổ thảo luận các nội dung của kỳ họp, trong đó trọng tâm là báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Tại Tổ thảo luận số 1, đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống tội phạm, giáo dục, y tế, việc cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn.
Bày tỏ lo ngại về tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Minh Hiên, Tổ đại biểu đơn vị huyện Lập Thạch cho rằng: Tỷ lệ thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật có dấu hiệu gia tăng và rất phức tạp như: Lập nhóm tụ tập dùng dao, kiếm đánh nhau gây mất an ninh trật tự; tụ tập đông người sử dụng ma túy tổng hợp tại các điểm cơ sở kinh doanh có điều kiện…
Các đại biểu thảo luận tại tổ 1
Để khắc phục những tình trạng này, đại biểu Hiên đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội và lực lượng chức năng trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên. Bên cạnh đó, chỉ đạo làm rõ trách nhiệm các cấp, ngành trong quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện; xử lý nghiêm và có giải pháp giáo dục đặc biệt đối với thanh thiếu niên vi phạm pháp luật.
Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, y tế, đại biểu Nguyễn Hồng Nhung, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Lập Thạch cho rằng, việc ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí với các cơ sở giáo dục công lập là hết sức cần thiết và phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, cử tri và phụ huynh trong tỉnh còn nhiều băn khoăn về mức thu học phí giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn và giữa các bậc học. Đặc biệt, trước đây, bậc mầm non và tiểu học, học sinh không phải đóng học phí nhưng với dự thảo nghị quyết mới thì hai bậc học này đều phải đóng học phí và mức thu ở khu vực thành thị cao hơn nhiều so với mức thu ở khu vực nông thôn. Điều này, dẫn đến một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực thành thị không thuộc đối tượng được miễn giảm học phí gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Hồng Nhung cũng đề nghị tỉnh có chế tài xử lý nghiêm các phòng khám tư nhân chưa được cấp phép trên địa bàn; mở rộng vùng cung cấp nước sạch đối với người dân một số địa phương thuộc huyện Lập Thạch.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế; đồng thời đề nghị tỉnh thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh để các doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2023 cũng như tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thu hút đầu tư một số dự án, lĩnh vực, khu vực quan trọng có tính chiến lược.
Tổ thảo luận số 2, các đại biểu quan tâm nhiều đến việc cải tạo cảnh quan công sở, xây dựng các tuyến phố đi bộ, đại biểu Bùi Hữu Hưng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Vĩnh Tường cho rằng, bên cạnh việc tạo ra sự thân thiện, gần gũi với thiên nhiên thì việc phá bỏ hàng rào công sở khiến các cơ quan Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh trật tự. Cùng với đó, tại hầu hết các khu vui chơi, tuyến phố đi bộ có rất ít hoặc không có các công trình vệ sinh công cộng, thùng chứa rác thải. Đại biểu Hưng đề nghị tỉnh nghiên cứu, đầu tư xây dựng công trình vệ sinh công cộng tại các khu vui chơi, tuyến phố đi bộ; nên lựa chọn các khu vực để thực hiện thí điểm và có lộ trình triển khai cụ thể đối với việc phá bỏ hàng rào công sở.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát biểu thảo luận tại tổ 2
Chỉ rõ những hạn chế trong công tác quản lý, phát triển độ thị và đầu tư công, lao động việc làm, đại biểu Phạm Quang Nguyên, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Lập Thạch đề nghị tỉnh quan tâm, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch đô thị; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần đánh giá kỹ việc bố trí sử dụng nguồn đầu tư công trung hạn giữa nhiệm kỳ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý đầu tư công ở cơ sở. Cùng với đó, nắm chắc tình hình lao động việc làm để có hướng đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động; tăng cường các giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về nâng mức thu học phí, tạo thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường.
Làm rõ hơn các vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Vĩnh Tường cho biết: Lường trước những khó khăn, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bài bản, đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo nên dấu ấn mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, với 13/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra; 9/25 chỉ tiêu gần đạt kế hoạch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; thu hút đầu tư nhiều mảng sáng và đã đạt mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025; tỷ lệ đô thị hóa gần đạt 50%; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chí đều nằm trong top 10 tỉnh, thành cả nước. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển rộng khắp, nhất là khi Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Đồng chí Lê Duy Thành đề nghị các đại biểu tích cực tham gia, đóng góp ý kiến giúp tỉnh giải quyết tốt hơn các vấn đề liên quan đến đầu tư, công tác cải cách hành chính; công tác giám sát việc triển khai xây dựng nhà máy nước sạch, đưa nước sạch về nông thôn; các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công…
Tại Tổ thảo luận số 3, đồng tình cao với báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, các đại biểu cho rằng, kết quả đạt được đã phán ánh rõ tình hình chung của tỉnh. Đặc biệt nhấn mạnh đến các nghị quyết HĐND tỉnh ban hành về cơ chế hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đã và đang nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, các đại biểu đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí Làng văn hóa kiểu mẫu; trong hỗ trợ vốn vay không nên quy định một mức chung mà căn cứ vào quy mô diện tích, dân số, đặc điểm của mỗi làng để có mức hỗ trợ phù hợp sát thực tế.
Tổ thảo luận số 3 gồm đại biểu HĐND tỉnh đơn vị các huyện, thành phố: Phúc Yên, Sông Lô, Yên Lạc, Vĩnh Tường
Phân tích, làm rõ kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Văn Huyến, Tổ đại biểu HĐND tỉnh thành phố Phúc Yên đề nghị bên cạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh cần có giải pháp phát triển ngành dịch vụ thương mại, du lịch để phát triển bền vững.
Làm rõ thêm về những kết quả nổi bật tỉnh Vĩnh Phúc đã được trong công tác cải cách hành chính, đại biểu Nguyễn Phú Sơn, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Yên Lạc cho rằng, trong thời gian tới cần quan tâm đầu tư trang thiết bị, tăng thêm phụ cấp để bảo đảm điều kiện làm việc tốt hơn cho cán bộ, công chức.
Liên quan đến vấn đề vi phạm đất đai, các đại biểu đề nghị cần chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm để răn đe, đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân.
Cho ý kiến về vấn đề cưỡng chế giải phóng mặt bằng, đại biểu Nguyễn Thái Thịnh, đại biểu HĐND tỉnh huyện Vĩnh Tường cho rằng số vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước, do đó, cần tăng cường công tác này để bàn giao mặt bằng cho các dự án, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tại phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước, Tổ đại biểu HĐND tỉnh huyện Yên Lạc đã làm rõ thêm về kết quả giải phóng mặt bằng của tỉnh. Đồng thời cho rằng, các ban làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng ở một số huyện chưa tích cực vào cuộc nên đã làm ảnh hưởng đến kết quả giải phóng mặt bằng của tỉnh. Trong vấn đề xử lý rác thải, chính quyền các cấp chưa nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân do đó cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác này.
Đối với kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Yên Lạc đề nghị hỗ trợ 100% các xã đạt nông thôn mới nâng cao, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của tỉnh cần được thực hiện theo kế hoạch, bảo đảm chất lượng, không chạy theo số lượng, thành tích.