Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng và ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản làm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Điển hình như: Chỉ thị số 23 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh thông qua Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021 - 2025; Chỉ thị 04 của UBND tỉnh về thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc cùng hàng loạt các văn bản chỉ đạo, thúc đẩy chuyển đổi số, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các huyện, thành phố...

Cùng với đó, đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu theo sự hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp của Sở Thông tin và Truyền thông; triển khai các ứng dụng nền tảng, bảo đảm đồng bộ và xuyên suốt ở 3 cấp tỉnh - huyện - xã theo hướng một nền tảng, nhiều chức năng, nhiều đối tượng nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp như: Nền tảng chuyển đổi số trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; nền tảng dạy và học trực tuyến; nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; nền tảng Phát thanh số - Truyền hình số; phát triển thương mại điện tử của tỉnh; chuyển đổi số trong lĩnh vực Tư pháp; chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai, môi trường; chuyển đổi số trong doanh nghiệp; triển khai và khai thác, sử dụng kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh phục vụ chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị có thủ tục hành chính…

Với sự vào cuộc quyết liệt để thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở, Vĩnh Phúc đã có những thay đổi căn bản, những điều kiện cần thiết làm nền tảng cho mục tiêu chuyển đổi số.

Đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Vĩnh Phúc do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai không ngừng được hoàn thiện, tối ưu nhằm tạo thuận lợi nhất cho tổ chức, công dân. Đặc biệt, với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số. Đến tháng 5/2023, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đạt 36,18 %; cấp huyện, thành phố đạt 98,76%.
 
Hay như ngành Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành, phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa; ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo án; chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến…góp phần quan trọng trong công tác quản lý, giảng dạy, với 100% cơ sở giáo dục sẵn sàng triển khai nền tảng dạy học trực tuyến khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Đối với ngành Y tế, công nghệ số đã giúp 155/155 cơ sở y tế thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân có gắn chíp điện tử; 95,5% dân số của tỉnh được lập và quản lý hồ sơ sức khỏe trên phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe; 100% cơ sở khám chữa bệnh công lập thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Triển khai các đề án, chương trình phát triển Thương mại điện tử quốc gia, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 211 về phát triển Thương mại điện tử tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025. Thực hiện các nhiệm vụ được giao, Sở Công thương đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ, bồi dưỡng, đào tạo và phổ cập thương mại điện tử đến doanh nghiệp, hộ gia đình, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, hình thành thói quen mua sắm, cung ứng hàng hóa, thanh toán không dùng tiền mặt...

Tiên phong trong chuyển đố, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, quảng bá, bán sản phẩm nông nghiệp trên mạng cho trên 16.300 hội viên; hướng dẫn, hỗ trợ 16.150 hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử; nâng tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử và ứng dụng nông nghiệp thông minh lên khoảng 10%; tỷ lệ hộ chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn ứng dụng công nghệ số lên 70%. Qua đó, từng bước hình thành nền nông nghiệp 4.0, phát triển theo hướng hiện đại, toàn diện, bền vững.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên phạm vi toàn cầu. Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành bám sát Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông để cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, dự án thực hiện cho phù hợp với điều kiện của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố tốt nhất của cả nước; hình thành được các cơ chế, chính sách để kinh tế số đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh; thúc đẩy quá trình phát triển dịch vụ đô thị thông minh và xã hội số theo hướng bền vững.

Nguồn:vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 1.107.544
      Online: 22