Sáng 3/6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 theo hình thức trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số Ban Đảng, Ủy ban của Quốc hội.
Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có các đồng chí: Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Tại điểm cầu Vĩnh Phúc
Báo cáo tại phiên họp cho thấy, 5 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022. Thu ngân sách Nhà nước đạt 48% dự toán; thu hút vốn FDI đạt 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước phát triển; các vấn đề tồn đọng, vướng mắc được tập trung tháo gỡ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bước đầu chuyển biến tích cực, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh. Hết 31/5, cả nước giải ngân được trên 157 nghìn tỷ đồng, bằng 22,2% kế hoạch Thủ tướng giao, tương đương cùng kỳ năm 2022.
Trong những tháng đầu năm, Chính phủ tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền được quan tâm, đẩy mạnh; quốc phòng an ninh được bảo đảm. Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, đi vào thực chất; vị thế, vai trò của Việt Nam ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao quan hệ đối tác, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút FDI, thị trường khách du lịch quốc tế.
Phát biểu tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn; nhất trí cao với báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi; tiếp tục cải cách tiền lương khối doanh nghiệp, cải cách hành chính, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các nhà đầu tư. Tăng cường các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường, hội nhập quốc tế…
Biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các đại biểu, hoàn thiện báo cáo chuẩn bị trình hội nghị Trung ương. Các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai, thi công các dự án, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Triển khai thực hiện tốt các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phòng, chống lụt bão, nhất là không để thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân trong mùa nắng nóng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; giữ vững ổn định an ninh quốc phòng, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế. Cùng với đó, tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường tiêu dùng trong nước; có giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư theo hướng nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, kịp thời hơn nữa; chủ động tháo gỡ các khó khăn về vốn, thuế, phí cho doanh nghiệp; xử lý nhanh các vướng mắc của các nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường phân cấp phân quyền; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu; đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các dự án lớn, nhất là các dự án công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường.