Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên tiếp thu và truyền bá, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta. Qua hoạt động thực tiễn, các bài viết, nói của Người đã thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và cán bộ được hình thành rất sớm, được bổ sung, phát triển, hoàn thiện thành lý luận phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn trong từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi “cán bộ là cái gốc của mọi việc” và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ trước tiên, nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ cốt lõi của sự nghiệp cách mạng. Người chỉ rõ: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.
Tháng 12/1924, từ Liên Xô về Quảng Châu, Trung Quốc, Bác đã trực tiếp lựa chọn những thanh niên yêu nước để truyền bá lý luận chủ nghĩa Mác -Lênin, đường lối và phương pháp cách mạng cho họ. Lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên được mở tại phòng 248, lầu 2, đường Văn Minh - Quảng Châu - Trung Quốc, với nhiều học viên tham gia như: Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Hoàng Văn Ấm, Lưu Quốc Trung, Vương Thúc Oánh, Lâm Đức Thụ...Sau khoá học, các học viên cùng Bác làm giảng viên cho các khoá sau và trở thành những chiến sỹ cộng sản, chiến sỹ cách mạng kiên cường của Đảng ta. Tính trong 2 năm, 1926 -1927, Bác đã mở 5 khoá huấn luyện cán bộ, với 200 học viên. Chương trình huấn luyện đáp ứng được nhu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam, nhất là vào những năm 20 của thế kỷ XX, bởi chương trình khoá học nêu rõ những bài học về lịch sử cách mạng thế giới và khẳng định chủ nghĩa Mác -Lênin là chủ nghĩa chân chính nhất, sự lựa chọn con đường cách mạng, quyết tâm đi theo con đường cách mạng tháng Mười Nga, động lực cách mạng, giai cấp lãnh đạo, phương pháp cách mạng. Đặc biệt, là giúp các thanh niên Việt Nam yêu nước tìm được lý tưởng đi trên một con đường, đó là "Đường cách mạng”, mở đầu cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930 và các bước đi của phong trào cách mạng Việt Nam.
Khi trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, Bác luôn cho rằng, việc đào tạo cán bộ là một nhiệm vụ gấp rút, không thể bỏ qua một giờ, một phút, tất cả cấp chỉ huy của Đảng phải đặc biệt chú ý tới công tác này. Đồng thời, chỉ đạo mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ chủ chốt các địa phương tại Cao Bằng, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945.
Luôn chú trọng công tác đào tạo cán bộ, tháng 10/1947, với bút danh XYZ, Bác viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc” để làm tài liệu giáo khoa cơ bản đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và coi "Cán bộ là cái gốc của mọi việc và huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Đến tháng 9/1949, khi đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc (Học viện Chính trị Quốc gia ngày nay), Bác đã ghi vào cuốn sổ vàng những dòng lưu niệm: “Học để làm việc. Học để làm người. Học để làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể. Học để phụng sự giai cấp và nhân dân. Học để phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chi công vô tư”. Những dòng lưu niệm của Bác bao hàm cả mục đích, động cơ, nội dung và phương pháp học tập; thể hiện sâu sắc tư tưởng của Người về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - nguồn nhân lực đặc biệt cho đất nước.
Ngày 6/5/1950, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ I, Bác đến dự và nói chuyện về “Công tác huấn luyện và học tập”. Theo Bác, huấn luyện và học tập trước hết phải thiết thực và chu đáo. Bác phê phán cách huấn luyện “Hữu danh vô thực” và đặt ra nhiều câu hỏi: Huấn luyện ai? ai huấn luyện? huấn luyện gì? huấn luyện thế nào? tài liệu huấn luyện? học để làm gì? học ở đâu? để mọi người suy ngẫm rồi Bác lần lượt trả lời các câu hỏi đó. Bác nói, ta phải huấn luyện cán bộ, huấn luyện hội viên của đoàn thể, huấn luyện các ngành chuyên môn của chính quyền, huấn luyện nhân dân. Đồng thời, chú trọng việc hướng dẫn, khuyến khích cán bộ tự học, tự rèn luyện, tự sửa chữa, tu dưỡng đạo đức cách mạng; những việc cần phải sửa chữa ngay trong công tác huấn luyện là "Tham nhiều mà không chu đáo", "lớp quá đông, mở lớp lung tung", chồng chéo ít hiệu quả. Bác gọi những cách mở lớp trên là cái “dịch mở trường", "chỉ tốn gạo mà học thì học táp nhoang".
Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Bác, nhớ lại quá trình trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và những lời dạy của Người về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chúng ta càng thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại; nguyện suốt đời phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người: Học không biết chán, dạy không biết mỏi, học để làm việc, học để làm người, học để làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Học ở trường, học ở sách vở, học ở nhân dân. Học để tiến bộ mãi.