Chiều 14/4, đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự sinh hoạt Đảng ủy Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc, nghe báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng; kết quả công tác đào tạo nghề và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát biểu tại hội nghị
Đảng bộ Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc hiện có 184 đảng viên với 8 chi bộ trực thuộc và 4 tổ chức đoàn thể. Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Đảng ủy nhà trường đã ban hành Nghị quyết, xây dựng chương trình hành động và kế hoạch thực hiện các mục tiêu cụ thể, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện. Toàn Đảng bộ đã kết nạp mới 14 đảng viên; cử 2 cán bộ tham dự lớp bồi dưỡng chuyên viên, 37 cán bộ, giáo viên đi học Trung cấp lý luận chính trị, 34 giáo viên tham dự bồi dưỡng nghiệp vụ.
Với 17 khoa, phòng, trung tâm, hơn 240 cán bộ, giáo viên, nhân viên, mỗi năm, Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc tuyển sinh khoảng 2.000 học sinh, sinh viên. Nhà trường đã ký kết các biên bản hợp tác ghi nhớ hợp tác với gần 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội mở các phiên giao dịch việc làm cho học sinh, sinh viên... Hiện 100% sinh viên hệ cao đẳng, trên 90% sinh viên hệ trung cấp của trường đều có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Ghi nhận những kết quả Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc đã đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành yêu cầu Đảng bộ nhà trường tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phân công nhiệm vụ rõ ràng và tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các chi bộ trực thuộc, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhà trường cần thay đổi nhận thức, tư duy, cách tiếp cận về chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng chương trình, kế hoạch, thay đổi phương pháp đào tạo, trong đó, tập trung đào tạo những ngành nghề và lao động mà xã hội đang cần; đào tạo có mục tiêu và đào tạo theo đơn đặt hàng để phát triển bền vững.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng gợi mở một số hoạt động hợp tác phát triển cho nhà trường như: Tận dụng những máy móc của doanh nghiệp trong tỉnh để tăng cường trang thiết bị đào tạo nghề; chủ động hơn nữa trong tìm kiếm thị trường, đầu ra cho lao động qua đào tạo; liên kết với doanh nghiệp, mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo; mở rộng địa bàn tuyển sinh, hướng đến tuyển sinh không chỉ trong tỉnh mà còn các địa phương lân cận. Bên cạnh đó, đổi mới công tác tiếp thị, truyền thông, xây dựng hệ sinh thái về truyền thông giáo dục nghề nghiệp; huy động mọi nguồn lực để nâng cao công tác đào tạo; tăng cường nhân lực chất lượng phục vụ công tác tuyển sinh, tư vấn, hướng nghiệp; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở các chương trình hợp tác giữa tỉnh với các đối tác nước ngoài. Đồng thời, nghiên cứu thực hiện cơ chế tự chủ tài chính; đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư phát triển nhà trường; gắn giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường; thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu, đề xuất tỉnh phương án hỗ trợ nhà trường trong việc tiếp cận doanh nghiệp; đổi mới phương pháp đào tạo nghề, tuyển sinh, quản lý tài chính, hoạt động, quản trị trong nhà trường. Sở Tài chính tham mưu, đề xuất phương án hỗ trợ kinh phí đào tạo, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nhà trường hoàn thành mục tiêu trở thành trường cao đẳng nghề chất lượng cao theo lộ trình đã đề ra.