Chiều 18/3, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố.
Theo báo cáo đánh giá của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, những năm qua, việc thực hiện cải cách hành chính gắn với triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội giai đoạn 2011-2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - hội của đất nước và hội nhập quốc tế, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính.
Hằng năm, Chính phủ, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã đề ra các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính mang tính toàn diện, đồng bộ và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch cải cách hành chính một cách thiết thực, cụ thể, phù hợp với chương trình tổng thể và thực tiễn của các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt các bộ, ngành, địa phương xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến hết tháng 11/ 2020, các cấp đã đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính; có 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, tiết kiệm hơn 5,9 triệu ngày công, tương đương hơn 893,9 tỷ đồng/năm; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng. Các bộ, ngành có khoảng 461 mô hình, sáng kiến; các tỉnh có khoảng 6.124 mô hình, sáng kiến cải cách hành chính. Từ năm 2011 đến tháng 3/2020, các bộ, ngành đã kiểm tra công tác cải cách hành chính tại 3.484 cơ quan, đơn vị. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt kết quả tích cực, việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng chậm, muộn, nhũng nhiễu, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%.
Đặc biệt, từ việc đổi mới công tác theo dõi, đánh giá dựa trên kết quả và tác động của cải cách hành, chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ngày càng được nâng cao. Cùng với đó, việc công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) được tiến hành hằng năm, trở thành một công cụ tốt trong quản lý cải cách hành chính, được nhân rộng trong hệ thống cơ quan hành chính các cấp. Việc khảo sát, đánh giá và công bố chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước hằng năm (SIPAS) đã trở thành thước đo đánh giá khách quan chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Phát biểu tại hội nghị, các ý kiến tham luận đã chỉ rõ những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế, bài học kinh nghiệm. Đồng thời, đề nghị trong giai đoạn tới, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch. Nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, người dân, doanh nghiệp đối với công tác cải cách hành chính và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động, chỉ đạo, điều hành và là nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành. Tăng cường xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế về tổ chức, hoạt động của nền hành chính nhà nước; xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính của các cấp, các ngành trong giai đoạn 2011-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong giai đoạn 2021-2030, các cấp, các ngành cần tiếp tục khắc phục các tồn tại, bất cập, đẩy mạnh cải cách hành chính về hệ thống thể chế, thủ tục hành chính, các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy, công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân, các tổ chức, doanh nghiệp theo hướng cắt giảm về thời gian, tránh tình trạng phiền hà, sách nhiễu người dân. Đẩy mạnh thực hiện chiến lược số hóa dữ liệu dân cư; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm,nhất là tăng cường tính công khai, minh bạch để cải cách hành chính thực sự phục vụ người dân. Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp tinh gọn, thông suốt và hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Cùng với đó, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt; tăng cường phân cấp, phân quyền nhằm phát huy sự chủ động, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong thực thi nhiệm vụ. Tập trung xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng chính phủ số, ngành kinh tế số, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ, hội nhập thành công.